Ông chủ UniCap, công ty định giá FLC 9 tỷ USD, là ai?
UniCap mới đây đã được một nhóm cổ đông mới bao gồm 12 cá nhân mua lại bộ cổ phần từ nhóm cổ đông cũ. Các cá nhân thâu tóm cổ phiếu tại UniCap đều sở hữu dưới 10% vốn điều lệ công ty, nên giao dịch chuyển nhượng không bắt buộc phải công bố thông tin theo quy định.
Quỹ đầu tư United Capital tiền thân là Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Hợp lực Việt Nam (Syncap), doanh nghiệp mới chỉ ra đời từ năm 2008, chuyên hoạt động trong lĩnh vực lập & quản lý quỹ, quản lý danh mục đầu tư, tư vấn tài chính và tự doanh. Trong giới quản lý quỹ và đầu tư tài chính, cái tên Syncap hay UniCap trước đây chưa từng xuất hiện, kể cả những đánh giá về thị trường lẫn doanh nghiệp.
Trước khi được mua lại, vốn điều lệ của UniCap là 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi thâu tóm thành công, nhóm cổ đông mới đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ công ty lên 100 tỷ đồng.
Sếp UniCap cũng là sếp tại công ty liên quan đến FLC
Một công ty như UniCap đưa ra những đánh giá của mình về thị trường cũng như đánh giá về doanh nghiệp với vị trí bên thứ 3 độc lập là điều bình thường. Tuy nhiên đáng chú ý, những ông chủ mới tại UniCap lại là những người có mối quan hệ với chính Tập đoàn FLC, công ty mà quỹ này vừa định giá lên tới 9 tỷ USD.
Cụ thể, ông Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch HĐQT UniCap cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản AMD Group (mã cổ phiếu AMD). Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông của AMD Group, FLC Faros (công ty con của FLC), đang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 24,38% vốn điều lệ ADM.
Phó chủ tịch HĐQT UniCap, ông Lưu Đức Quang hiện cũng là Thành viên HĐQT tại Tập đoàn FLC và mới đây đã được giao đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Artex (ART), doanh nghiệp có liên quan tới FLC.
Theo đó, 2 ông chủ lớn nhất tại UniCap chính là những người có mối liên hệ trực tiếp với Tập đoàn FLC và đại gia Trịnh Văn Quyết. Đặc biệt, cả 2 ông chủ lớn nhất tại UniCap này mới chỉ được bổ nhiệm tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của công ty diễn ra vào ngày 11/9 vừa qua.
Tính đến hết tháng 6, UniCap vẫn nằm trong tay nhóm cổ đông cũ, nhưng hiện nay đã được chuyển giao toàn bộ cho nhóm cổ đông mới. Nửa đầu năm 2017, UniCap đang có khoản lỗ lũy kế lên tới 30 tỷ đồng.
Định giá FLC 9 tỷ USD, UniCap nói gì?
Mới đây, UniCap đã khiến giới đầu tư tài chính bất ngờ khi đưa ra báo cáo định giá Tập đoàn FLC có giá trị lên tới 9 tỷ USD. Trước đó, vào năm 2014, Savills từng định giá giá trị của FLC chỉ đạt trên 3 tỷ USD.
Theo UniCap, việc định giá FLC chênh lệch gấp 3 lần so với Savills do công ty định giá toàn bộ các tài sản, chứ không chỉ các dự án bất động sản và có tính đến cả yếu tố sinh lời.
Nửa đầu năm nay, công ty không phát sinh doanh thu từ bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào. Nguồn thu chính là doanh thu từ hoạt động tài chính chỉ đạt vỏn vẹn 42 triệu đồng.
Sau khi trừ chi phí vận hành, quản lý doanh nghiệp và nộp thuế, UniCap báo lỗ ròng 633 triệu đồng sau thuế.
“Chúng tôi đã làm khảo sát độc lập, thấy rằng thương hiệu FLC có độ phủ rất lớn và chứng minh được hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp trong thực tế. Bằng chứng là các dự án có gắn với cụm từ FLC đều đạt được thuận lợi lớn trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường. Đó là giá trị kinh tế rất lớn”, đại diện UniCap nói thêm.