20 năm thay đổi cùng Internet tại Việt Nam

   Vũ Ngọc Anh lý giải về mối gắn bó đặc biệt của cậu với Internet. “Ngồi nhiều hơn người bình thường” là một đặc tính tiêu biểu trong cuộc đời của Ngọc Anh. Cậu mắc bệnh xương thủy tinh – căn bệnh khiến cho xương người trở nên dễ gãy, cùng với nhiều biến dạng xương khác – và gắn bó cuộc đời với chiếc xe lăn. Ngọc Anh di chuyển khó, và sẽ gãy xương dù chỉ với những va đập nhỏ.

Tôi chỉ là một người ngồi nhiều hơn người bình thường

   Ngọc Anh sinh ra ở Hùng Thắng, một xã nông nghiệp cách trung tâm Hải Phòng hơn một giờ đi xe.

   Cùng với căn bệnh hiếm, Ngọc Anh đã trưởng thành cùng nhiều rào cản trong tâm lý. Cho đến tận năm tốt nghiệp phổ thông, cậu vẫn nghĩ mình “không thể nào kiếm tiền được”. Ngọc Anh lên thành phố, học nghề sửa điện thoại. Rồi chàng thanh niên quay trở về Hùng Thắng, chuyên chú trở thành một thợ sửa điện thoại cho người trong vùng. Nếu không có gì thay đổi, cậu sẽ tiếp tục cần mẫn làm nghề ấy cho đến tận hôm nay.

   Nhưng trong vòng chưa đầy mười năm qua, vẫn trong tư cách “một người ngồi nhiều”, Ngọc Anh lần lượt trở thành một người kinh doanh nội dung trực tuyến; một tay đào bitcoin chuyên nghiệp; một phượt thủ nổi tiếng; một tác giả sách; một người truyền cảm hứng; sáng lập một kênh radio trực tuyến; quản trị viên diễn đàn lớn; và ở tuổi 30, sở hữu một công ty thương mại điện tử đang phát triển, cũng như mua căn nhà đầu tiên ở Hà Nội.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2002. Năm đó, Vũ Ngọc Anh lần đầu tiên cắm đường dây điện thoại vào chiếc modem dial-up.

Chàng thanh niên nông thôn hòa mạng, và “ngồi nhiều” chính thức trở thành một lợi thế. Cậu ngồi đó, trước màn hình, và trở thành một nhân chứng sát sao cho sự phát triển của Internet tại Việt Nam trong hai thập niên qua.

Vũ Ngọc Anh lần đầu tiên cắm đường dây điện thoại vào chiếc modem dial-up.

   Tiến sĩ Mai Liêm Trực từng chia sẻ, mỗi ngày nhìn ra cửa, ông thấy mọi người từ già đến trẻ đều cầm điện thoại bấm bấm, thấy chị bán rau, bác đồng nát cũng bàn chuyện mới diễn ra trên mạng. Để có được điều đó là cả một quá trình vận động nhằm thay đổi quan niệm về quản lý Internet kéo dài xuyên qua hai thế kỷ.

   "Khi Chính phủ lắng nghe đề xuất đầu tiên, nhiều lo ngại được đề cập như nguy cơ lộ bí mật Nhà nước hay liệu có quản được thông tin độc hại không. Những lo ngại đó hoàn toàn chính đáng. Chúng ta đã hy sinh, mất mát quá lớn trong chiến tranh nên phải thận trọng. Nhưng không kết nối Internet thì Việt Nam không thể hội nhập", tiến sĩ Mai Liêm Trực nhấn mạnh.

   "Nhiều công nghệ đã xuất hiện muộn tại Việt Nam như điện thoại chậm 50 năm, truyền hình chậm 30 năm so với thế giới. Tôi cảm thấy mừng vì Việt Nam đã không chậm chân trước con tàu Internet, bởi nếu lúc đó chúng ta không mạnh dạn mở cửa với lý do an ninh, nhạy cảm... thì giờ sẽ cảm thấy có lỗi với dân vì đã cản trở sự phát triển của đất nước".

   Đó là những năm tháng mà thế giới bắt đầu cuộc chuyển dịch vĩ đại lên không gian số. Hai năm trước đó, trình duyệt Internet Explorer trở thành phần mềm mặc định trong các bản Windows 95. Một năm trước đó, Yahoo! vừa trở thành công ty niêm yết và The New York Times ra phiên bản online. Một năm sau đó, Google sẽ được thành lập. Hai năm sau, bong bóng dot-com sẽ bùng nổ và hạ tầng mạng sẽ nhận một lượng đầu tư tài chính khổng lồ. Từ vị trí của năm 2017 nhìn lại, tất cả đã trở thành một giai đoạn lịch sử mà sau này sẽ thay đổi phương thức giao tiếp của loài người.

   Và đó là lúc mà chính phủ Việt Nam đứng trước một quyết định quan trọng: có đưa Internet vào Việt Nam hay không.

   Ngày 19/11/1997, sau rất nhiều bàn thảo, băn khoăn và thuyết phục, Ban điều phối quốc gia mạng Internet trao giấy phép cho các nhà cung cấp dịch vụ kết nối, truy nhập Internet. “Internet Việt Nam” ra đời. Đến ngày 1/12/1997, Internet được cung cấp cho đông đảo người sử dụng.

   Năm 2002, FPT trở thành công ty tư nhân đầu tiên phá vỡ thế độc quyền của VNPT (khi đó là VDC) trong việc cung cấp dịch vụ kết nối đường truyền Internet tại Việt Nam. Tình trạng độc quyền đầu vào là một trong những nguyên nhân khiến ở Việt Nam giá cước kết nối Internet cao, tốc độ và chất lượng đường truyền thấp trong những năm trước đó.

   Từ năm 1997 đến trước 2002, Việt Nam chỉ có 1,8 triệu người dùng Internet, chiếm 4% dân số bấy giờ. Tháng 4/2003, giá cước Internet và điện thoại giảm "chưa từng có", lên đến 40%, đã trở thành cú hích cho phổ cập Internet. Cộng với sự ra đời của dịch vụ Internet ADSL (băng rộng hữu tuyến) vào tháng 5/2003, số người sử dụng Internet tăng đột biến.

tháng 5/2003, số người sử dụng Internet tăng đột biến

   Đó cũng là thời điểm mà chàng trai “ngồi nhiều” ở Hải Phòng tìm thấy cơ hội mới của đời mình.

   Vũ Ngọc Anh bắt đầu kiếm những đồng tiền đầu tiên bằng việc viết báo. Đường truyền dial-up cho chàng trai xương thủy tinh một lợi thế thông tin đặc biệt. Cậu tìm đọc các thủ thuật máy tính, tổng hợp lại rồi gửi cho một tạp chí về máy vi tính nổi tiếng thời ấy. Mục tiêu đơn giản: kiếm tiền trả tiền mạng.

   Thời ấy, Internet tính tiền theo phút. Phương pháp phổ biến của người dùng mạng, là chờ website nạp xong, lưu nó lại, ngắt mạng rồi mới bắt đầu đọc.

   Rồi những chương mới của đời sống liên tục mở ra với chàng trai “ngồi nhiều”, cùng với sự phát triển của Internet. Thời Ngọc Anh tốt nghiệp phổ thông cũng là khi văn hóa “diễn đàn mạng” bắt đầu phát triển trên môi trường mạng Việt Nam. Cậu gặp gỡ nhiều người trên mạng. Rồi những người bạn ảo ấy thúc giục cậu thực hiện chuyến đi xa đầu tiên trong đời: lên Hà Nội. Cho tới trước đó, Ngọc Anh cùng cái xe lăn chỉ đi xa nhất đến trung tâm Hải Phòng, để học nghề sửa điện thoại và dự định gắn bó với nghề ấy như định mệnh của đời mình.

   Sau chuyến đi lên Hà Nội dự “offline”, Ngọc Anh bắt đầu nhìn thấy một thế giới khác. Nó rộng lớn hơn và nhiều màu sắc hơn quá khứ của cậu. “Lần đầu tiên trong đời nghĩ mình có thể kiếm tiền”.

Internet cho Ngọc Anh cơ hội quan trọng nhất, là tự học
 
   Internet cho Ngọc Anh cơ hội quan trọng nhất, là tự học. Bắt đầu những ngày tháng mày mò liên tục, những xoay xỏa kiếm tiền trên môi trường mạng, và cuối cùng, là một quyết định “dạt nhà”. Cậu quyết định rời làng, cũng vào thời điểm mà đường truyền tốc độ cao trở nên phổ biến.

   Từ ngôi làng ngoại ô, Ngọc Anh một mình lên Hà Nội, đi ở nhờ trong một căn phòng hơn 10 mét vuông, vay tiền bạn bè mua một cái card màn hình. Cậu bắt đầu đào Bitcoin.

Đó là mùa hè năm 2011, thời mà Bitcoin không phải là một trào lưu trên đầu môi như lúc này. Mỗi đồng Bitcoin đào lên chỉ có giá khoảng chục USD. Mỗi ngày, Ngọc Anh đào được 3-4 đồng.

   Mùa hè năm ấy, trong căn phòng nóng hầm hập vì cái card màn hình chạy liên tục, một chiếc quạt con cóc duy nhất đã được dùng để làm mát máy, một con người mới được hình thành. Những năm sau đó, Vũ Ngọc Anh – một người mới tốt nghiệp phổ thông - trở thành một nhân vật nổi tiếng trên mạng: cậu tạo ra rất nhiều sản phẩm, từ một kênh radio trực tuyến, một công ty bán hàng, một nhân vật truyền cảm hứng, cho đến những bản nhạc remix lan truyền trong giới trẻ.

Internet cho Ngọc Anh cơ hội quan trọng nhất, là tự học

   Câu chuyện về chàng trai xương thủy tinh lan đi – và rất nhiều khi trở thành niềm động viên cho những người không may mắn.

   Bây giờ, khi mà Bitcoin đã trở thành thứ rất khó đào và đã là một trào lưu, thì Ngọc Anh lại thành một nhà cung cấp máy đào Bitcoin cho thị trường Việt Nam. Cậu sở hữu một công ty thương mại điện tử làm ăn tốt, và đang viết cuốn sách thứ hai. Cuốn đầu tiên, “Không thể vỡ”, mượn hình ảnh từ chính căn bệnh xương dễ vỡ, đã đưa ra tuyên ngôn sống của chàng trai này ngay từ tiêu đề.

   Ngọc Anh bày tỏ nguyện vọng không muốn đưa thu nhập hàng tháng lên báo.

Internet dành cơ hội cho cả những người đến muộn.

   Ở tuổi 50, bà Oanh bắt đầu làm quen với chiếc smartphone. Chục năm trước đó, khi các con còn nhỏ, Internet với bà là một kẻ thù. Những năm 2000, “thế giới mạng” với bà Oanh là thứ gì đó nguy hiểm vì có thể “gây nghiện như ma tuý”. Như bao người bấy giờ, khi hai cậu con trai vẫn là học sinh, bà từng ngăn cách các con khỏi Internet vì cho rằng nó có thể khiến con trẻ hư hỏng, sa ngã.

   Năm 2013, Tuấn Anh, con trai lớn của bà Oanh, mua tặng mẹ một chiếc smartphone. Vốn tính hay chia sẻ và là người tích cực tham gia các hoạt động xã hội, bà được con trai giới thiệu sinh hoạt trên một diễn đàn trực tuyến dành riêng cho các ông bố, bà mẹ. Ngày đầu, Tuấn Anh vẫn phải giúp mẹ tạo tài khoản, hướng dẫn viết bài và chèn ảnh… Tuy nhiên chỉ sau một lần, người mẹ đã nhanh chóng có cả loạt bài trên diễn đàn.

   Bằng kinh nghiệm và vốn sống, bà Oanh chia sẻ trên mạng với các từ ngữ mộc mạc, chân thực. Những bài viết thu hút hàng trăm bình luận. Từ các bài tâm sự về bậc làm cha, làm mẹ đến các bài chia sẻ kiến thức bản thân trong việc nuôi dạy con cái trưởng thành.

   Rồi bà Oanh bắt đầu giới thiệu trên diễn đàn các sản phẩm đồ gia dụng, trước đây vốn bán ở nhà theo hình thức cửa hàng truyền thống. Bạn bè trực tuyến tỏ ra rất hào hứng với những món đồ của “bà cô U50”. Việc kinh doanh của bà Oanh bước đầu chuyển từ bán hàng trực tiếp sang bán hàng online, ngày một đông khách.

bà Oanh bước đầu chuyển từ bán hàng trực tiếp sang bán hàng online

   Năm 2014, bà Kim Oanh bắt đầu sử dụng Facebook để “không bị lạc hậu” với con cái. Trên mạng xã hội, bà Oanh nói mình lại như một “đứa trẻ”, bỡ ngỡ với mọi thứ, thích chia sẻ mọi điều. Bà bắt đầu làm quen với cách sử dụng nó, thích thú khi khi lần đầu tiên đăng được status, rồi đến những bức ảnh và sau này còn live stream…

   Cũng trong thời gian này, gia đình đón “sự thay đổi lớn” khi gia đình có thêm thành viên mới – Phin – đứa cháu nội đầu tiên. Trong quá trình chăm cháu, bà Oanh tiếp tục chia sẻ quá trình nuôi dạy cháu trên Facebook và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của các thành viên trên mạng xã hội, thu hút hàng chục nghìn người theo dõi.

   Từ cách dỗ dành sao khi cháu khóc, nấu cháo thế nào khi cháu ốm… đến việc sắp xếp công việc nhà khi có con nhỏ… tất cả đều được bà ghi, chụp lại rồi đăng trên Facebook như cuốn Nhật ký online.

   Lần này, bà Oanh tiếp tục chuyển dần từ bán hàng trên diễn đàn sang mạng xã hội Facebook. Có lượng bạn bè và người theo dõi lớn, các bài đăng của bà thường thu hút hàng trăm lượt thích và bình luận. Công việc kinh doanh cứ thế mở rộng. Những đơn hàng phải chở bằng ôtô tải.

   Internet tại Việt Nam phát triển với một gia tốc lớn
  
   Internet tại Việt Nam phát triển với một gia tốc lớn. Ở giai đoạn nửa đầu, hoạt động chính của người sử dụng là tham gia diễn đàn, nghe nhạc, chat và viết blog. Dịch vụ chat, email và blog của Yahoo thông dụng đến mức nhiều quán Internet được gọi là Yahoo Cafe.

   Hai mươi năm trôi qua, nhiều người sử dụng Internet giai đoạn đầu vẫn không thể quên được cảm giác "hồi hộp và kiên nhẫn đến kỳ lạ" trong tiếng "tít tít, te te, rè rè" khi truy cập mạng qua kết nối dial-up.

   Dù Facebook đã ra đời khá lâu và được ưa chuộng ở nhiều quốc gia, người dùng trong nước chỉ bắt đầu chú ý đến mạng xã hội này từ sau tháng 7/2009 khi dịch vụ blog phổ biến nhất Yahoo 360 bị khai tử. Cùng lúc đó, dịch vụ kết nối qua mạng 3G chính thức được triển khai từ tháng 10/2009 - đánh dấu thời kỳ phát triển của Internet băng rộng vô tuyến - và sự thâm nhập mạnh mẽ của smartphone đã khiến Internet ở Việt Nam bước vào giai đoạn bùng nổ.

   “Người ngồi nhiều” Vũ Ngọc Anh cảm nhận rõ nét những biến động đó. Đến một giai đoạn, cậu không viết báo nữa. Vì chẳng còn ai cần chia sẻ những thủ thuật máy tính trên tạp chí – người ta thậm chí còn chẳng mua đĩa cài phần mềm nữa, mà download bất kỳ thứ gì họ cần từ trên mạng. Khái niệm “vọc” máy tính biến mất.

   Đến một giai đoạn khác, cậu nhận ra rằng mình không thể chân phương bán hàng qua mạng được nữa, mà phải gây dựng thương hiệu cá nhân. Thị trường thương mại trực tuyến bắt đầu chật chội. “Có rất nhiều cái mình làm tự phát sau này mới biết nó là lý thuyết marketing” – Ngọc Anh nhớ lại. Cậu bắt đầu “làm content” – thứ nay đã trở thành một khái niệm thời thượng.

   Đến giờ, Ngọc Anh lại đang phải đương đầu với vấn đề mà bất kỳ ai sống trên mạng cũng đối mặt: sự nhiễu loạn thông tin.

Ngọc Anh lại đang phải đương đầu với vấn đề mà bất kỳ ai sống trên mạng cũng đối mặt

   Ở nửa sau của 20 năm hình thành, Internet thực sự làm biến đổi các quan niệm truyền thống trong mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội tại Việt Nam.

   Chỉ cần một người và một máy tính kết nối Internet, bất kỳ ai cũng có thể thành lập một start-up với khả năng vươn ra toàn thế giới. “Hiện tượng” Flappy Bird có thể xem là một ví dụ tiêu biểu. Việc mua sắm trực tuyến cũng đã trở thành thói quen của 23 triệu người Việt theo thống kê của Nielsen. Năm 2016, trị giá của thị trường thương mại điện tử Việt Nam là 4 tỷ USD và dự kiến tăng lên thành 10 tỷ USD trong 5 năm tới.

   Theo đánh giá của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Việt Nam luôn nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Sau hai thập kỷ, đến nay Việt Nam đã có hơn 50 triệu người dùng Internet, nằm trong số ít những thị trường mà số người dùng Internet nhiều hơn số người không dùng, chiếm 53% tổng dân số.

   Trong suốt thời gian đó, sự tồn tại của các hạ tầng trực tuyến vẫn liên tục là chủ đề tranh luận trong ban hành chính sách tại Việt Nam.

Vũ Ngọc Anh hiện tại

   Bà Oanh không nhìn thấy một điểm tiêu cực nào từ Internet. Ở đó, người phụ nữ 53 tuổi chỉ thấy niềm vui.

   Với một người có rất đông tương tác, lại làm kinh doanh, thì đó dường như là một điểm vô lý. Nhưng bà Oanh lý giải sự bình yên của mình bằng một nguyên lý rất đơn giản: “Mình cứ sống thật thôi”.

   Bà tin rằng việc thành thật trong kinh doanh và chân thành trong giao tiếp với những người bạn trên mạng sẽ tạo ra niềm vui.

   Vũ Ngọc Anh đồng ý với điều đó. Trong bối cảnh mà thị trường trực tuyến trăm hoa đua nở, rác cũng nhiều, thì giá trị quan trọng nhất trên môi trường ảo, lại là sự chân thành.
 
   Người lái xe taxi đến đón Ngọc Anh - thông qua một ứng dụng gọi xe - dường như cố minh họa cho tuyên bố đó: ông cặm cụi tháo bánh chiếc xe lăn, xếp lên cốp sau, đưa xe lăn lên ghế sau cạnh Ngọc Anh; rồi sau một quãng đường chỉ hơn một cây số, lại gắn bánh xe lại, rồi đưa xe lăn đến cửa đón khách.

   Trong những năm qua, Ngọc Anh từng nhận rất nhiều lời từ chối phục vụ phũ phàng. Nhưng hôm nay, cậu không chỉ là đang gọi xe qua một cái “app” vô cảm trên hạ tầng Internet, mà gặp con một người tài xế cẩn thận.
Nguồn: Tin tổng hợp trên mạng


CÔNG TY TNHH TƯ VẤN BLUE


Địa chỉ: Số 146 Nguyễn Sỹ Sách (Tầng 4), TP Vinh, Nghệ An

Hotline: 0947.502.208 - 0974.208.518